Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11
Quy định về giảm tiền thuê đất, nâng định mức sắm ôtô công và quy chế thông tin trên môi trường mạng của Bộ Công an... có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm 30% tiền thuê đất cho một số đối tượng trong năm 2023
Theo Quyết định 25/2023 của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 20/11, đối tượng được giảm là tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Quy định này áp dụng cho cả người thuê đất không thuộc diện được miễn giảm, hết thời hạn hoặc trường hợp đang được giảm theo quy định về đất đai...
Tuy nhiên, mức giảm này không gồm số còn nợ trước 2023 và tiền chậm nộp. Trường hợp đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thì mức giảm 30% được tính trên số tiền phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ.
Hồi tháng 4, Chính phủ ban hành quy định gia hạn thuế và tiền thuê đất năm 2023. Đây là lần thứ 5 Chính phủ đưa ra chính sách này trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm. Hai năm 2020 và 2021, Chính phủ từng giảm 30% tiền thuê đất với người thuê đất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nâng định mức sắm ôtô công với một số chức danh
Theo Nghị định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô công hiệu lực từ ngày 10/11, bốn chức danh được sử dụng thường xuyên một ôtô không quy định mức giá, cả khi đã nghỉ công tác, là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Xe ôtô công của một cơ quan Nhà nước. Ảnh: VGP
Chức danh được sử dụng ôtô trong thời gian công tác, không quy định mức giá, gồm: Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Phó chủ tịch nước; Phó thủ tướng; Phó chủ tịch Quốc hội.
Ngoài các chức danh nêu trên, một số chức danh được sử dụng ôtô trong thời gian công tác, giá từ 1,25 đến 1,6 tỷ đồng. Mức này tăng từ 330 đến 500 triệu đồng so với quy định năm 2019 (từ 920 đến 1,1 tỷ đồng).
Chức danh được sử dụng ôtô trong thời gian công tác với giá 1,6 tỷ đồng, gồm: Ủy viên Trung ương Đảng chính thức; Trưởng ban, cơ quan Đảng ở Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng biên tập báo Nhân Dân, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban; Trưởng ban Công tác đại biểu, Trưởng ban Dân nguyện).
Chức danh được sử dụng ôtô giá 1,55 tỷ đồng gồm: Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội trung ương được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động; Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư tỉnh, thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại Hà Nội và TP HCM, các chức danh Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, cũng được sử dụng xe 1,55 tỷ đồng.
Quy định mới về cung cấp thông tin của Bộ Công an trên Internet
Thông tư 45/2023 của Bộ Công an quy định về cung cấp thông tin của lực lượng công an nhân dân trên môi trường mạng có hiệu lực từ ngày 15/11. Theo đó, thông tin được công an cung cấp trên môi trường mạng là công khai, không thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ và nội bộ ngành; phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân.
Trong đó có thông tin chỉ đạo, điều hành, hoạt động của lãnh đạo Bộ Công an; thông tin cung cấp cho báo chí về vấn đề liên quan công tác công an mà dư luận xã hội quan tâm; vụ án, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, xác minh mà xét thấy việc cung cấp thông tin là cần thiết.
Ngoài ra, trong danh mục này còn có nội dung Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri; lịch tiếp công dân của lãnh đạo bộ; điểm tin Interpol; thông tin về đối tượng truy nã, truy tìm; thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan khủng bố; cảnh báo, tố giác tội phạm; dịch vụ công trực tuyến.
Tăng tỷ lệ đạt giải học sinh giỏi quốc gia
Từ ngày 25/11, Thông tư 17/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về Ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia sẽ có hiệu lực. Theo đó, tỷ lệ học sinh đạt giải quốc gia sẽ chiếm 60% số dự thi, tăng 10% so với trước, nhằm phù hợp với thông lệ kỳ thi Olympic.
Thí sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT tại quận Ba Đình (Hà Nội), tháng 7. Ảnh: Giang Huy
Số giải nhất, nhì, ba không vượt quá 60% tổng số giải; số giải nhất không vượt quá 5%. Tỷ lệ này nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Thí sinh tham gia nhưng không đoạt giải sẽ được cấp giấy chứng nhận để các em có thông tin lưu giữ lâu dài. Đây là điểm khác trước.
Trước đây, Bộ quy định đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị nhiều nhất 6 thí sinh. Riêng Hà Nội, đội tuyển mỗi môn được tối đa 12 thí sinh. Theo quy định mới, số thí sinh của các đơn vị ở mỗi môn tối đa là 10, riêng TP HCM và Hà Nội là 20.
Với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học), số học sinh được triệu tập không quá 8 lần so với số chính thức đi thi ở từng môn.
Điểm mới nữa là Bộ có thể tuyển chọn thí sinh không thi học sinh giỏi quốc gia năm đó nhưng đã thi Olympic khu vực và quốc tế năm trước liền kề.