Năm 2023 nhiều biến động của ngành ôtô Việt Nam
Doanh số sụt giảm kéo theo hàng loạt biến động của ngành xe trong nước, bên cạnh đó là băn khoăn của khách hàng về chất lượng xe.
Đà tăng trưởng liên tục những năm qua và lập đỉnh 2022 của thị trường ôtô Việt bị kéo ngược trở lại trong 2023 bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Dự đoán của các hãng về một năm kém nhiệt của ngành xe trong nước đã trở thành hiện thực.
VnExpress điểm lại một số điểm nhấn của thị trường ôtô Việt Nam 2023:
Doanh số sụt giảm, giảm giá tràn lan
Trước dịp Giáng sinh, các nhãn hàng thường tổ chức ngày hội giảm giá để kích cầu sức mua, một cách hưởng ứng Black Friday (Thứ sáu đen) - đặc sản của người dân Mỹ, Canada. Nhưng với riêng các hãng ôtô và đại lý bán hàng, Black Friday đã bắt đầu từ đầu 2023 và kéo dài xuyên suốt trong cả năm qua.
CX-5 bản nâng cấp 2023 tại một đại lý Mazda ở Bình Dương. Ảnh: Phạm Trung
Nhu cầu của khách hàng sụt giảm là nguyên nhân chính khiến việc giảm giá của hãng, đại lý liên tục được thực hiện. Và để không vi phạm Luật Thương mại về thời gian khuyến mãi, nhiều hình thức luân phiên áp dụng như giảm tiền mặt, tặng phụ kiện, hỗ trợ trước bạ.
Giảm giá lặp lại nhiều đến nỗi phụ trách truyền thông một hãng phân phối xe Đức ở Việt Nam nói rằng, riêng chuyện nghĩ nội dung để gọi tên cho việc giảm giá cũng là vấn đề nan giải. Trong 2023, hầu như không có hãng nào không giảm giá, từ xe phổ thông đến cao cấp, từ hãng bán chạy đến hãng bán chậm, từ hãng trong nước đến nước ngoài.
Giảm giá là cách nhanh nhất để thu hút khách hàng. Nhưng dù vậy và thêm ưu đãi lệ phí trước bạ được Chính phủ áp dụng cho xe lắp ráp từ tháng 7, cũng khó giúp thị trường tái lập thành tích của năm 2022. Tính đến tháng 11, doanh số lũy kế của toàn thị trường đạt 319.855 xe, giảm 28% so với cùng kỳ 2022. Năm 2023 chỉ còn tháng 12, cơ hội để thị trường vượt mốc 500.000 xe như 2022 là điều không thể.
Thị trường kém sôi động không chỉ tạo ra làn sóng giảm giá chung, một vài hãng tận dụng thời cơ để vợt khách bằng chiêu "giảm giá sốc". Trường Hải khơi mào bằng việc đưa giá Mazda CX-5 xuống dưới ngưỡng 800 triệu đồng, phá vỡ giá sàn phân khúc, thậm chí gây áp lực lên các mẫu xe ở phân khúc nhỏ hơn. Các đối thủ không còn cách nào khác phải giảm giá theo bởi nếu không, sức mạnh của CX-5 càng lớn bởi khi chưa giảm giá, mẫu xe này cũng đang dẫn đầu phân khúc về thị phần.
Sau Trường Hải, Hyundai Thành Công hưởng ứng bằng cách giảm hàng trăm triệu cho bộ đôi Tucson, Santa Fe. Khi đạt được mục tiêu thị phần, nguồn cung giảm, hai hãng tăng giá trở lại.
Xe mới gặp khó làm ảnh hưởng đến thị trường thứ cấp là xe cũ. Giá xe mới giảm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng đều đặn hàng tháng, các đơn vị kinh doanh xe cũ vì thế dè dặt thu mua xe đã qua sử dụng. Đợt giảm giá sốc của CX-5 mới khiến nhiều công ty kinh doanh xe cũ "ôm hàng" lắc đầu ngao ngán.
Làn sóng xe Trung Quốc
Chưa có năm nào như 2023, số lượng các hãng xe Trung Quốc có mặt hoặc công bố kế hoạch kinh doanh chính hãng, đầu tư hệ thống bán hàng, dịch vụ ở Việt Nam nhiều đến vậy. Wuling, Haval, Lynk & Co, Haima lần lượt xuất hiện, bán bằng hình thức lắp ráp lẫn nhập khẩu.
Xe Trung Quốc góp mặt ở nhiều phân khúc khác nhau, từ phổ thông đến cao cấp. Có thương hiệu bán xe giá rẻ, thuộc hàng thấp nhất thị trường như Wuling với chiếc Hongguang Mini EV khởi điểm chưa đến 300 triệu đồng. Cũng có hãng bán xe tiền tỷ như Lynk & Co với chiếc 09 giá gần 2,2 tỷ đồng.
Wuling Hongguang Mini EV tại khuôn viên nhà máy TMT ở Hưng Yên, tháng 5/2023. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Làn sóng xe Trung Quốc chưa dừng lại bởi sang 2024, Chery với hai hãng con là Omoda và Jaecoo dự kiến sẽ có mặt, bên cạnh đó là ông lớn BYD. Đại diện một công ty phân phối ôtô với các nhãn phổ thông, hạng sang trụ sở ở TP HCM cho biết, đang đàm phán để đưa về bán một thương hiệu ôtô Trung Quốc khác với các sản phẩm chạy xăng lẫn thuần điện.
Sự phát triển nhanh của thị trường ôtô Trung Quốc những năm qua kéo theo hàng chục thương hiệu mới được thành lập, đặc biệt hãng làm xe điện. Khi nhu cầu về xe điện của đất nước tỷ dân dần chậm lại, các hãng nội địa tìm đường ra nước ngoài, nhắm đến những thị trường mới nổi có tiềm năng lớn như Đông Nam Á, Nam Mỹ, châu Phi. Việt Nam là một trong số đó, thậm chí có hãng như Chery, BYD đánh tiếng muốn xây nhà máy ở Việt Nam để phục vụ nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu.
Thương hiệu mới, chất lượng chưa có nhiều thời gian để kiểm chứng, xe Trung Quốc được các chuyên gia đánh giá gặp nhiều khó khăn ở Việt Nam khi cạnh tranh với các hãng Nhật, Hàn, Đức, Mỹ.
Loạt vấn đề chất lượng xe
Năm 2023, số lượng các vụ triệu hồi xe lên đến hàng chục tại thị trường Việt Nam. Còn lượng xe bị ảnh hưởng cần được kiểm tra, sửa chữa sau khi bán ra ở mức hàng chục nghìn.
Mẫu Avanza lăn bánh tại Việt Nam. Ảnh: TMV
Toyota chủ yếu gặp các vấn đề về lỗi túi khí, dây đai an toàn, khiến hãng triệu hồi các dòng như Vios, Raize, Veloz để sửa chữa. Ford có các dòng như Everest, Explorer có phần mềm điều khiển động cơ, xử lý khí thải không hoạt động tốt. Nhiều dòng Mercedes như GLC, C-class, E-class, S-class gặp trục trặc ở hệ thống bơm nhiên liệu, điều hòa.
Trong năm 2023, thị trường ôtô trong nước chứng kiến nhiều vụ triệu hồi khác từ các hãng như Isuzu, VinFast, Jeep, Hyundai, Audi, Porsche, Bentley.
Bên cạnh các vụ triệu hồi xe, người dùng trong nước còn băn khoăn về chất lượng xe bán ra liệu có đúng như chứng nhận chất lượng nhà sản xuất đã cam kết. Vấn đề này đến từ trường hợp gian lận thử nghiệm an toàn, khí thải của Daihatsu, hãng con của Toyota. Nhiều mẫu xe của hãng Nhật dùng nền tảng DNGA do Daihatsu phát triển và bán ở Việt Nam như Raize, Avanza, Veloz, Yaris Cross.
Nhà chức trách Indonesia hôm 24/12 cho phép bán các mẫu Toyota, Daihatsu trở lại, bởi xác định bê bối của Daihatsu không ảnh hưởng đến an toàn các xe kinh doanh ở nước này. Toyota Avanza MT, mẫu xe được xác định trong diện ảnh hưởng, ngừng giao đến các đại lý ở Việt Nam từ 20/12 có thể cũng được nối lại hoạt động này nhưng lòng tin của khách hàng trong nước không thể vẹn nguyên như trước.
Xe mới ra mắt hàng loạt, xu hướng xe xanh dần rõ nét hơn
Thị trường trầm lắng sức mua nhưng không vì thế ngăn các hãng ra mắt sản phẩm mới. Đây có thể xem là mảng màu sôi động nhất của thị trường ôtô Việt Nam 2023.
Hàng chục mẫu xe mới thuộc thế hệ mới hoặc lần đầu diện kiến khách Việt đến từ các hãng xe Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... hay trong nước như VinFast. Những cái tên nổi bật được khách hàng chờ đợi như Toyota Yaris Cross, Innova Cross, Hyundai Custin, Palisade, Honda BR-V, CR-V, VinFast VF 6, VF 7... Ở mảng xe sang, BMW và Mercedes là hai hãng trình làng sản phẩm mới nhiều nhất.
Người dân tham khảo chiếc VF 5 tại một sự kiện ngoài trời ở TP HCM, tháng 8/2023. Ảnh: Thành Nhạn
Xu hướng xe xanh, gồm các dòng điện hóa lẫn thuần điện dần rõ nét hơn ở Việt Nam trong 2023 dù vẫn chỉ chiếm phần số lượng ít ỏi. VinFast là hãng phổ thông theo đuổi chiến lược thuần điện quyết liệt nhất với số lượng sản phẩm phong phú nhất.
Những VF 5, VF 6, VF 7, VF 9 của VinFast lần lượt ra mắt tại Việt Nam. Hyundai đóng góp với dòng Ioniq 5, Wuling có Hongguang Mini EV, Haima là 7XE. Còn ở phân khúc hạng sang, BMW và Mercedes đưa về nhiều dòng thuần điện mới như i4, i7, iX3, EQE, QEB, EQS.
Các hãng chọn cách tiếp cận xe hybrid có Toyota, Honda, Hyundai. Toyota phân phối Innova Cross, Yaris Cross đều kèm bản hybrid kết hợp động cơ xăng và môtơ điện. Điều tương tự có ở Honda với dòng CR-V thế hệ mới hay Hyundai với Santa Fe hybrid. 2023 cũng là năm có số lượng xe điện hóa và thuần điện ra mắt nhiều nhất ở Việt Nam từ trước đến nay.
Theo Thành Nhạn
Bạn đang tìm kiếm garage uy tín tại Tiền Giang thì hãy nhấc máy gọi đến Garage Ô tô Đỗ Anh Sài Gòn, garage chuyên về dịch vụ chăm sóc ô tô uy tín, chuyên nghiệp tại tại Tiền Giang. Hãy liên hệ đến hotline 0973 092 838 - 027373 000 89 để được tư vấn thêm.
Xem thêm các bài viết hay khác tại chuyên mục Tin Tức và Dịch vụ của Garage Ô tô Đỗ Anh Sài Gòn
Ô TÔ ĐỖ ANH SÀI GÒN
Địa Chỉ: 07B, Khu phố 3, Tổ 1, QL 50, Phường 9, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang
Hotline: 0973 092 838 - 027373 000 89
Zalo: 0973 092 838
Mail: garagedoanh@gmail.com
Website: otodoanh.com